Ngày 15/07, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lên tiếng cảnh báo áp lực giá có thể tiếp tục tăng trong vài tháng tới, nhưng kỳ vọng áp lực này sẽ thuyên giảm theo thời gian.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, bà Yellen cũng bày tỏ lo ngại rằng lạm phát có thể gây khó khăn cho những gia đình thu nhập thấp đang muốn mua nhà, giữa lúc thị trường bất động sản ở Mỹ đang lên cơn sốt.
“Chúng ta sẽ chứng kiến lạm phát tăng nhanh trong vài tháng nữa”, bà Yellen chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “Closing Bell”. “Tôi không nói rằng đây là hiện tượng chỉ diễn ra trong 1 tháng. Nhưng tôi nghĩ, về trung hạn, lạm phát sẽ quay trở lại ngưỡng bình thường. Dĩ nhiên, chúng ta phải theo dõi lạm phát một cách thận trọng”.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 5.4% trong tháng 6 so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất gần 13 năm. CPI lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, tăng 4.5%, mạnh nhất 30 năm. Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng vọt 7.3%, mức tăng cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập từ năm 2010.
Giá nhà tại 20 thành phố lớn nhất của Mỹ tăng gần 15% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu từ S&P CoreLogic Case-Shillier cho thấy. Tất cả những dữ liệu này làm nảy sinh lo ngại rằng sức ép lạm phát có thể kìm hãm đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, thậm chí còn xuất hiện nỗi ám ảnh về bong bóng.
“Tuy vậy, tôi không cho rằng chúng ta đang đối mặt với nguy cơ tương tự như thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008”, bà Yellen nhận định. “Đây là một hiện tượng rất khác. Nhưng tôi thực sự lo ngại về việc giá nhà đã quá đắt đỏ và mà sức ép của giá nhà tăng đối với những gia đình lần đầu mua nhà hay những gia đình có thu nhập thấp”.
Một số tín hiệu tích cực
Các cuộc khảo sát người tiêu dùng Mỹ gần đây cho thấy kỳ vọng lạm phát tăng, nhưng bà Yellen cảm thấy vui khi chứng kiến những dữ liệu dựa trên thị trường cho thấy giá cả có thể dịu đi trong trung và dài hạn. Bất chấp nỗi lo lạm phát, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn giảm. xuống dưới 1.3% sau khi tăng 1 điểm phầm trăm lên 1.75% trong thời gian từ tháng 10/2020-3/2021.
Các chỉ số khác – như chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm – đã giảm từ mức đỉnh 13 năm xác lập hồi tháng 5/2021.
“Tôi thấy các thước đo kỳ vọng lạm phát trung hạn vẫn nằm trong tầm kiểm soát”, bà Yellen nói. “Kỳ vọng lạm phát thực chất là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến hành vi xác định giá cả. Bởi vậy, việc quan trọng là chúng ta cần theo dõi cẩn trọng kỳ vọng đó. Nhưng về cơ bản, tôi tin rằng lạm phát sẽ dịu đi”.
Bà Yellen nhấn mạnh rằng từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, có thể thấy “thị trường đang bày tỏ quan điểm rằng lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát”.
Cuộc trả lời phỏng vấn của bà Yellen diễn ra trong lúc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phải điều trần hai ngày về chính sách tiền tệ trước Quốc hội Mỹ.
Lạm phát là một chủ đề nóng trong cuộc điều trần này, khi mà bảng cân đối kế toán của Fed đã vượt 8 ngàn tỉ USD do chính sách nới lỏng định lượng (QE) để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch Covid-19, và thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ có khả năng vượt 3 ngàn tỷ USD trong 2 tài khoá liên tiếp do những gói kích cầu khổng lồ.
Ông Powell thừa nhận Fed “không lấy làm thoải mái gì” với tốc độ lạm phát hiện nay ở Mỹ, nhưng cũng nói ông dự báo rằng những yếu tố chỉ có trong đại dịch sẽ suy yếu và lạm phát sẽ sớm trở lại mức bình thường.
Về phần mình, bà Yellen cho biết các khoản chi tiêu gắn liền với kế hoạch Cứu trợ Nước Mỹ do Nhà Trắng đề xuất đang hỗ trợ cho đà hồi phục. “Tôi nghĩ kế hoạch cứu trợ đang đạt được các tác dụng mong muốn, đồng thời cũng ngăn chặn thiệt hại tới các gia đình và tình hình tài chính của họ”, bà nói.
Comments