top of page
Students Taking Exams
beinvestor - bất động sản quốc tế.png
V2 Development.png
Ảnh của tác giảBeInvestor

Các thành phố in tiền riêng nhằm xoay sở trong đại dịch

Những fan hâm mộ của “tiền tệ bổ sung” đánh cược rằng ý tưởng nảy sinh trong thời kỳ suy thoái để giúp các thành phố xoay sở trong đại dịch này có thể chứng minh được lợi ích hỗ trợ trong cơn đại dịch của nó.


Wayne Fournier, thị trưởng thành phố Tenio với đồng tiền gỗTenino. Ảnh: Jason Redmons

Tại một căn phòng sâu bên trong Bảo tàng Tenino Depot có một cỗ máy cũ được hi vọng hỗ trợ thành phố vượt qua khủng hoảng kinh tế: với cổ máy này, tiền có thể được sản xuất từ cây cối.

Với kích thước bằng một tấm bưu thiếp, được in trên một miếng ván gỗ thích bào mỏng bằng cách sử dụng chiếc bấm chữ Chandler & Price đời 1890, những đồng “đô la gỗ” này đang được phát cho những người dân gặp phải khó khăn về tài chính. Được chốt tỷ giá như đồng USD Mỹ thực, đồng tiền này có thể được sử dụng ở khắp mọi nơi, từ cửa hàng tạp hóa đến trạm xăng và nhà trẻ, những cơ sở kinh doanh này có thể đổi chúng lấy tiền mặt sau.

“Chúng tôi muốn đây là biểu tượng của hi vọng,” Wayne Fournier, thị trưởng thành phố Tenio (Washington, Mỹ), cho biết: “Chúng tôi đề cao chủ nghĩa địa phương và đầu tư vào cộng đồng địa phương. Ý tưởng của chương trình này là sát cánh cùng nhau như một cộng đồng và hỗ trợ cho những cá nhân gặp khó khăn, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng. Nó là bản sắc (DNA) của thành phố chúng tôi.”


Thật vậy, đồng tiền gỗ là sự tái khởi động của một chương trình bắt nguồn từ những ngày đen tối nhất của cuộc Đại Suy thoái. Ngân hàng duy nhất của thành phố chuyên khai thác gỗ này đã đóng cửa, và những người kinh doanh địa phương đã quyết định xây dựng một miếng tiền được khắc trên gỗ để tiếp tục việc giao dịch mua bán. Chương trình của Tenio năm 1931 là chương trình đầu tiên của Mỹ vào năm đó.

“Nó đã vô cùng có hiệu quả,” ông Fournier, người đề ra chương trình hỗ trợ cho người dân chứng minh được họ đang gặp khó khăn về tài chính 300 USD bằng gỗ, nói.

Một chủ nhà hàng treo bảng chấp nhận tiền gỗ Tenino. Ảnh: Jason Redmond

Kể từ khi được tung ra vào tháng 5, các thành phố từ Arizona đến Montana và California đã liên hệ với Tenino để xin tư vấn về việc bắt đầu sử dụng đồng tiền riêng. “Chúng tôi không biết liệu liệu còn điều gì có thể xảy ra trong năm nay hay không”, Fournier cho biết thêm, “Nhưng các thành phố như chúng tôi cần phải tìm ra cách nào đó để chống đỡ mà không cần dựa dẫm vào thế giới.”


Ý tưởng "tiền tệ bổ sung" – một thuật ngữ rộng cho một tập hợp các đồng tiền địa phương thay thế cho đồng tiền quốc gia - này đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Papers in Poli Economic năm 2018, có 3.500 đến 4.500 hệ thống như vậy đã được ghi nhận ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Thông thường thì tiền địa phương chỉ được chấp nhận trao đổi trong địa phương đó và các khu vực lân cận, nhiều chương trình tiền địa phương chỉ áp dụng cho các thành viên đã đăng ký; các chương trình tiền địa phương này thường tồn tại song song thay vì thay thế cho đồng tiền chính thức của quốc gia đó.

Loại tiền này có nhiều dạng thức khác nhau, nhưng thường ít địa phương chọn in tiền giấy. Nhiều loại tiền địa phương là tiền kỹ thuật số hoặc được giao dịch qua những chiếc thẻ thông minh. Các loại tiền này ra đời với những mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường khác nhau. Một số loại tiền địa phương ra đời nhằm bảo vệ các doanh nghiệp địa phương, một số lại thúc đẩy sự bình đẳng xã hội. Một số khác được tiến hành để ứng phó với các cuộc khủng hoảng khi hệ thống tài chính truyền thống ngừng hoạt động. Khi đại dịch Covid-19 gây ra hỗn loạn về kinh tế và xã hội, cả ba thách thức đều xuất hiện cùng một lúc.


“Trong giai đoạn khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt, một vấn đề lớn là thiếu tính thanh khoản, mặc dù vẫn có công việc phải làm, nguồn nhân lực để thực hiện và nhu cầu dành cho việc đó,” Paolo Dini – giảng viên và chuyên gia nghiên cứu tại Trường Kinh tế London cho biết. “Thường thì nó là vấn đề về dòng tiền. Do đó, bất kỳ công cụ hoặc thiết bị nào giúp duy trì thanh khoản đều là hữu ích cả.”

Mặc dù vẫn còn quá sớm để đo lường tác động kinh tế đầy đủ của Covid-19, GDP Mỹ giảm mạnh trong quý II (33%) khiến người ta ngày càng so sánh giai đoạn này với cuộc Đại suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết cuộc khủng hoảng đang diễn ra có thể làm bốc hơi 9.000 tỷ USD GDP toàn cầu trong 2 năm tới. Đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.

Đối với những người ủng hộ tiền tệ địa phương, đây là cơ hội vàng để hồi sinh "tiền tệ bổ sung". "Kỷ nguyên của nền kinh tế thịnh vượng thông thường sắp kết thúc", Stephen DeMeulenaere - người đứng đầu bộ phận công nghệ của Qoin Foundation (Hà Lan), một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ tiền tệ cộng đồng, cho biết. Ông lập luận rằng những thất bại của chủ nghĩa tư bản toàn cầu bị làm trầm trọng hóa bởi đại dịch Covid19 tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ hơn cho tiền địa phương. “Có một sự thất bại về cơ cấu trong cách thức đồng tiền được đưa vào lưu thông, thông qua các chính sách như nới lỏng định lượng”, ông nói “Không phải cứ việc in thêm tiền là nó sẽ lưu thông đâu. Ví dụ có ai đó đang lên cơn đau tim, bạn có truyền máu hay hô hấp nhân tạo cho họ không?”


Cũng như đồng “đô la gỗ” của Tenino, đồng WIR của Thụy Sĩ đã được tung ra để ứng phó với tình trạng khan hiếm tiền. Được tạo ra năm 1934, WIR hiện là đơn vị tiền tệ bổ sung lâu đời nhất thế giới. WIR cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thực hiện giao dịch với các doanh nghiệp khác, với tỷ giá được neo vào franc Thụy Sĩ. WIR hiện có hơn 60.000 thành viên, trong đó có một phần năm tổng số doanh nghiệp Thụy Sĩ. "WIR được dựa trên một mạng lưới mạnh mẽ. Đây là điều quan trọng hơn bao giờ hết", Volker Strohm – phát ngôn viên của WIR cho biết.

Thường thì các chương trình này xuất hiện khi các nền kinh tế chính thống bị suy yếu, như điều đã diễn ra ở Argentina đầu những năm 2000 hoặc ở Hy Lạp vào thập kỷ trước, và sự trao đổi với nhau này đã phát triển thành một loại tiền tệ khác, được gọi là mạng lưới tín dụng lẫn nhau. Những người ủng hộ các loại tiền bổ sung nói rằng, kết hợp với tài trợ từ chính phủ, chúng có thể là phương pháp hiệu quả để duy trì dòng tiền trong cộng đồng và bằng cách loại bỏ sự vay vốn, chúng có thể tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ theo cấp số nhân.


Cũng như Tenino, thành phố Maricá, Rio de Janeiro (Brazil) kết hợp tiền địa phương với chương trình thu nhập cơ bản phổ thông. Chương trình này ra mắt vào năm 2014. Hiện nay, khoảng 80.000 cư dân - gần một nửa dân số, nhận được 130 reais (35 USD) mỗi tháng, không ràng buộc về điều kiện. Số tiền này được phân phối dưới dạng "Mumbuca" - đơn vị tiền tệ địa phương của thành phố này. Loại tiền này không được chấp nhận ở các địa phương khác của Brazil.

"Điều này có thể trở thành mô hình về cách một thành phố có thể giải ngân hiệu quả các khoản trợ cấp xã hội trong thời kỳ đại dịch, hỗ trợ các gia đình nghèo khi họ ở nhà và cả hộ kinh doanh nhỏ trong thời kỳ khủng hoảng", Eduardo Diniz - Giáo sư ngân hàng và công nghệ tại Trường Quản trị Kinh doanh São Paulo nhận xét. Ông đã nghiên cứu các chính sách công sử dụng tiền tệ cộng đồng từ năm 2014. Vào tháng 5 năm 2020, cư dân Maricá đã chi tiêu 30 triệu reais bằng Mumbuca, theo Diniz. Chìa khóa thành công của Mumbuca chính là sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương. “Trước đây, Maricá là một thành phố rất nghèo.” Diniz nói: “Quyết định đầu tư vào loại tiền tệ này, họ đã có thể xây dựng trường học và bệnh viện Cùng một khoản tiền được lưu chuyển qua nền kinh tế hết lần này đến lần khác”.


Một nghiên cứu khác tại Canada cũng chứng minh giá trị của việc duy trì dòng chảy tiền mặt tại địa phương, nhờ "tiền tệ bổ sung". Nghiên cứu cho biết các hãng bán lẻ độc lập xoay vòng tiền nhiều hơn 2,6 lần so với các chuỗi bán lẻ. Ngoài việc khuyến khích mọi người mua sắm tại địa phương, các loại tiền bổ sung còn có thể khuyến khích hành vi tích cực hoặc làm từ thiện.


Lấy cảm hứng từ công nghệ khối chuỗi (blockchain), thành phố Hull ở phía bắc nước Anh đã tạo ra tiền tệ địa phương kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới vào năm 2018, cung cấp chiết khấu lên đến 50% hàng hóa và dịch vụ cho những người làm việc tình nguyện tại các tổ chức địa phương. Một dự án tương tự của Hà Lan, có tên Samen Doen cũng tưởng thưởng cho những người thực hiện các hoạt động xã hội như chăm sóc người già.


Đồng Bảng Bristol, được giới thiệu năm 2012, được coi là một trong những loại "tiền tệ bổ sung" có ảnh hưởng nhất. Cư dân Bristol (Anh) có thể sử dụng nó để thanh toán tiền xe bus, cà phê, thậm chí để trả thuế. Tuy nhiên, dù số Bristol Pound được chi từ năm 2012 đã lên tới 5 tỷ bảng Anh, tác động kinh tế địa phương của nó vẫn còn gây tranh cãi. Một nghiên cứu năm 2017 kết luận nó không thúc đẩy địa phương hóa, vì đồng bảng Anh quá sẵn và dễ tiếp cận, khiến nhiều người không mặn mà với đồng Bảng Bristol. Các nhà nghiên cứu nhận định có “sự rò rỉ tài chính từ các khu vực địa phương vào vòng xoay toàn cầu.”

Đồng Bảng Bristol được sử dụng trong thành phố vào năm 2017. Ảnh" Matt Cardy

Một vấn đề gây khó khăn cho một số đồng tiền bổ sung là tìm được cách trang trải chi phí hoạt động. WIR giải quyết vấn đề này thông qua lệ phí giao dịch ở mức 0,06% đối với thành viên và gấp đôi đối với những tổ chức/cá nhân không phải thành viên WIR. Đồng đô la Calgary của Canada duy trì bằng cách trả lương nhân viên bằng chính đồng Calgary và thu phí từ chính phủ và doanh nghiệp.

Một số loại tiền tệ có nền tảng cộng đồng của Mỹ cũng phải vật lộn để vượt qua thách thức này. Đồng Equal đôla của Philadelphia được cấp cho người dân địa phương để chi trả cho hàng hóa, dịch vụ và thuê mướn lao động, đã ngừng lưu thông năm 2014 sau 19 năm hoạt động do mỗi năm tiêu tốn 300.000 USD để duy trì. Được thành lập vào năm 1991, chương trình Ithaca HOURS cũng từng là đơn vị tiền tệ địa phương hoạt động lâu nhất ở Mỹ. Nó lụi tàn sau hai thập kỷ, không lâu sau khi người sáng lập kiêm nhà hoạt động tiền tệ địa phương Paul Glover chuyển làng đại học ở ngoại ô New York.

Việc các doanh nghiệp hạn chế tiếp nhận loại tiền tê này cũng là một trở ngại: Hệ thống trao đổi giá trị địa phương LOVES, có trụ sở tại Yamato, Nhật Bản, trả cho người dân bằng tiền địa phương khi họ làm tình nguyện và mang túi riêng đến siêu thị. Dù nhiều cư dân đã đăng ký, số cửa hàng tham gia lại không đủ. Chương trình đã ngừng lại năm 2007 sau 5 năm hoạt động.

Tiền mặt bị mờ nhạt dần khi thương mại điện tử và thanh toán điện tử ngày càng phổ biến là một yếu tố khác có thể làm giảm nhu cầu các loại tiền tệ bổ sung. Diana Finch, giám đốc điều hành của đồng Bảng Bristol, nói rằng ngay cả trước khi đại dịch Covid-19, việc lưu thông tiền giấy trong khu vực đã giảm khoảng 60%. Mục đích của Bảng Bristol là khuyến khích các doanh nghiệp độc lập tạo ra một nền kinh tế sôi động dựa trên sự đa dạng của các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn về nhân lực.” Bà nói “Nhưng chúng tôi đã tự giới hạn mình và không thể đạt được quy mô đủ lớn.”


Bảng Bristol hiện đang chuyển sang mô hình kinh doanh dựa trên phí giao dịch điện tử - Bristol Pay, dự kiến ra mắt cuối năm nay. Mục tiêu của Bristol Pay là chiếm từ 50% đến 80% các giao dịch trong thành phố. Một khoản phí nhỏ được tính cho mỗi giao dịch. Số tiền thu được sẽ đổ vào các dự án xã hội và môi trường.

Sự hồi phục sau đại dịch vẫn còn chưa chắc chắn, nhu cầu cho một mô hình kinh doanh như vậy là rất đáng kể ở Bristol, cũng như những nơi khác. Finch coi các loại tiền bổ sung là một công cụ có thể giúp các thành phố trở nên linh hoạt hơn khi đối mặt với những cuộc khủng hoảng kinh tế này, cũng như giúp cải thiện bình đẳng xã hội. “Tôi cũng không chắc đây có phải là sự tăng trưởng chúng tôi mong muốn hay không.” Bà nói, “Chương trình này không nhằm giúp các doanh nghiệp địa phương đang gặp vấn đề về thanh khoản kinh doanh. Nó nghiêng về việc nỗ lực thay đổi bản chất của nền văn hóa và tạo ra các cộng đồng vững mạnh hơn".

Theo: Bloomberb

Dịch tiếng Việt: BeInvestor.net

Comments


New York Office
bottom of page